So sánh cấu trúc kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc
Trong những năm gần đây, phân tích quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Trong Quốc cho thấy tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Hoa Kỳ trong tổng xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19,7% năm 2010 lên 23,2% năm 2019, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc cũng tăng từ 10,7% năm 2010 lên 15,7% năm 2019; tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ chỉ tăng từ 4,4% năm 2010 lên 5,7% năm 2019 (tăng 1,3 điểm phần trăm), trong khi tỷ trọng này với Trung Quốc tăng từ 23,8% năm 2010 lên 29,8% năm 2019 (tăng 6 điểm phần trăm).
Trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ Việt Nam luôn có thặng dư thương mại, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ từ 2010 đến 2019 tăng 4,5 lần.
Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam luôn thâm hụt thương mại, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 2010 đến 2019 tăng 2,7 lần, với Hàn Quốc từ 2010 đến 2019 Việt Nam tăng thâm hụt thương mại 4,1 lần. Điều này phản ánh tình trạng Việt Nam lệ thuộc vào nhập khẩu từ một số ít đối tác.
Trong bảng I/O Quốc gia theo cách hiểu cơ bản nhất là sản xuất, giá trị tăng thêm, nhập khẩu…chịu ảnh hưởng của mối quan hệ liên ngành và nhu cầu cuối cùng; trong bảng I/O liên Quốc gia ngoài những ảnh hưởng trên là ảnh hưởng liên Quốc gia. Mô hình I/O liên quốc gia nhằm mục đích đo lưởng sự biến động về sản xuất hoặc tiêu dùng của quốc gia này đối với sản xuất và thu nhập của quốc gia khác. Những ảnh hưởng về sản xuất của một Quốc gia bao gồm:
Ảnh hưởng số nhân (Multiplier effects): Là ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng gián tiếp gây nên bởi nhu cầu cuối cùng các sản phẩm được sản xuất tại Quốc gia đó
Ảnh hưởng ngược liên Quốc gia (inter – national feedback effects): Là ảnh hưởng về sản xuất của Quốc gia A tạo nên bởi Quốc gia B trong quá trình sản xuất sử dụng sản phẩm của Quốc gia A.
Ảnh hưởng tràn (Spillover effects): Là nhu cầu về nhập khẩu của Quốc gia A về sản phẩm của Quốc gia B thay đổi gây nên bởi nhu cầu cuối cùng của Quốc gia A khi sử dụng sản phẩm của mình. Điều này có nghĩa nhu cầu cuối cùng sản phẩm được sản xuất trong nước cũng kích thích hay kìm hãm sản xuất của nước khác có giao dich ngoại thương. Khi nhu cầu cuối cùng tăng sẽ kéo theo sản xuất tăng từ đó kéo theo nhập khẩu làm chi phí đầu vào tăng lên.Do đó, ngay cả khi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam vẫn lan tỏa kích thích sản xuất của nước khác. Chẳng hạn sản xuất của Việt Nam sử dụng nhiều sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc làm chi phí đầu vào sẽ kích thích những ngành sản xuất ra sản phẩm đó ở Trung Quốc. Nói tổng quát, sản lượng và giá trị tăng thêm của một quốc gia được tạo ra có thể do tiêu dùng cuối cùng của quốc gia khác. Theo Noguera (2012) giá trị gia tăng này (value added consumed abroad), được tác giả gọi là VAX-C. Bart Los Marcel P. Timmer (2018) đề xuất đo lường giá trị tăng thêm của nước A khi xuất khẩu sang nước B cho nhu cầu sản xuất được gọi là VAX-P. Tổng giá trị tăng thêm được tạo nên do quan hệ thương mại song phương (value added in bilateral trade flows) VAX-D được Los et al. (2016) đề cập. Những nghiên cứu khác liên quan đến dòng chẩy thương mại như Bems et al. (2011, 2013).