Góp ý cho chương trình phục hồi kinh tế
17/10/02021 10:27

Sáng ngày 13/10/2021, Hội khoa học Kinh tế Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm với các chuyên gia kinh tế hàng đầu về Chương trình phục hồi kinh tế...

Tại buổi tọa đàm này, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã trình bày bản đề dẫn. 
Phần thảo luận đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu đến từ các chuyên gia kinh tế khác gồm: ông Lê Xuân Bá, ông Lê Đăng Doanh, ông Hoàng Văn Cường, ông Dương Đình Giám, ông Chủ Văn Lâm, bà Phạm Chi Lan, ông Nguyễn Quang Thái, ông Bùi Tất Thắng.
Trong chiều cùng ngày, một số nhà kinh tế đã tham gia cuộc họp trực tuyến cùng các địa phương tại 63 điểm cầu với sự chủ trì cùa Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.Ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế chủ trì Tọa đàm đã tóm tắt ý kiến thảo luận và thống nhất làm thành báo cáo góp ý chính thức của Hội Khoa học Kinh tế đến các lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan quản lý, khuyến khích các nhà kinh tế phát biểu ý kiến qua các kênh chính thức và phương tiện thông tin đại chúng.
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, đây là sự kiện thiết thực và có nhiều ý nghĩa nhằm triển khai, cụ thể hoá các kết luận rất quan trọng của Hội nghị Trung ương 4 bế mạc ngày 7/10 vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Khác với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 hay những đợt thiên tai như hạn hán, lụt lội và sự cố môi trường đã từng xảy ra trước đây, đặc trưng nổi bật của cú sốc kinh tế do đại dịch lần này là sự đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội, dẫn đến đứt gãy sự kết nối giữa tổng cung và tổng cầu.
Do đó, các giải pháp đề ra cần bảo đảm thống nhất một số nguyên tắc xuyên suốt như bảo đảm tính toàn diện cả về y tế, kinh tế và xã hội; bảo đảm tính đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành ở Trung ương, giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương; giữa doanh nghiệp, người lao động, người dân và chính quyền các cấp…
Đặc biệt, tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều ý kiến thể hiện sự lạc quan vào tương lai phát triển của Việt Nam, với các giải pháp mà Việt Nam đã và đang thực hiện, nhất là khi các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đảm bảo. Đồng thời bày tỏ đồng tình và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả cao phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19 như tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vaccine; động viên nhân dân tiếp tục thực hiện 5K và các giải pháp phòng, chống dịch khác; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, nhất là nhóm yếu thế; đảm bảo lưu thông, di chuyển thông suốt, an toàn; kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy đầu tư công; đẩy mạnh chuyển đổi số...